Phong tục đi chùa cầu may đầu xuân

Phong tục đi chùa cầu may đầu xuân

Với nhiều người, Tết đồng nghĩa với việc lên chùa đi lễ cầu may cho cả năm dài đang tới. Họ mong ước, ở nơi xa xôi, trong cõi Niết bàn cực lạc, Đức Phật từ bi sẽ nghe thấu lời cầu nguyện mà phù hộ độ trì cho họ luôn được vạn sự như ý…

Hồi nhỏ tôi hay ra sân chùa chơi cả khi ngày Tết lẫn lúc ngày thường. Lúc ấy tôi hay thắc mắc, sao ngày Tết mọi người đi chùa đông thế, để ngày thường đi đỡ phải chen chúc có hơn không. Ngày Tết, sân chùa làng vui lắm. Đám trẻ con hay tụ tập ở đấy để chơi bi chơi đáo, có đứa còn đánh cả tam cúc ăn tiền nữa chứ. Không gian chùa làng vốn cổ kính trầm mặc và huyền bí lúc ngày thường bỗng trở nên rực rỡ và náo nhiệt với hương hoa đèn nến như trong ngày hội hoa đăng trong những ngày Tết.

Tết, sân chùa trở nên quang đãng và có thêm nhiều cái mới lạ, đấy là có thêm mấy gánh hàng bán đồ lễ như trầu cau, vàng hương, bỏng oản cho người đi lễ. Nhưng đấy không phải là điều thu hút sự quan tâm của lũ trẻ, chúng chỉ để ý đến mấy mẹt hàng bày bán pháo tép mà thôi. Khi ấy là những năm tháng đã xa, người dân còn có thói quen đốt pháo mỗi dịp xuân về, nên pháo tép là để dành cho lũ trẻ đón xuân. Nhiều đứa dành trọn tiền mừng tuổi cho những tép pháo con con xanh đỏ ấy, để đến khi bố mẹ hỏi đến thể nào cũng nhận được vài “con lươn” quắn đít. Thế mà, chúng vẫn không bỏ cái niềm vui được tận hưởng cái âm thanh lạch tạch rộn rã cùng mùi pháo thơm ngây ngất ấy để móc tiền ra mua pháo đốt chơi vui trong chốc lát. 

Phong tục đi chùa cầu may đầu xuân
Lễ chùa đầu xuân khiến lòng người thanh thản (Ảnh internet)

Tôi còn nhớ những buổi chiều ba mươi Tết, khi cả nhà đang bận rộn làm cỗ cúng tất niên thì tôi loanh quanh đợi lúc không ai để ý là tót ngay ra sân chùa. Ở đấy, hôm nay tôi thấy ngôi chùa như khác hẳn, sân chùa sạch sẽ không một chiếc lá rụng, còn bên trong thì đèn nến sáng trưng, rực rỡ, mùi hương trầm ngào ngạt lan tỏa khắp không gian chiều cuối năm se lạnh. Mấy bà vãi ăn mặc chỉnh tề áo dài nhung thêu óng ánh đang sửa soạn bày biện các ban thờ cùng sư thầy trụ trì chùa chuẩn bị cho buổi lễ tế giao thừa đang sắp đến.

Khi tiếng chuông chiều thánh thót ngân nga báo ngày cuối năm sắp sửa qua đi tôi mới vội vàng chạy về nhà ăn bữa cỗ đầu tiên của Tết. Lúc ấy, sân chùa đã lác đác có người đi lễ sớm, họ phần lớn là những người có công việc bận rộn, giao thừa hoặc sáng sớm mai không thể đi chùa được nên mới đi sớm vào lúc này. Mọi người đi lễ vào lúc giao thừa, với quan niệm đây là thời khắc linh thiêng, trời đất giao hòa nên sẽ cầu được ước thấy. Đây là lúc chùa làng đông vui tấp nập nhất, đúng là “hương như là sao lạc, lớp sóng người lô nhô”. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, dâng hương thành tâm cầu nguyện mong trời Phật phù hộ cho gia đình mình năm mới khỏe mạnh, phát lộc phát tài, an khang thịnh vượng, cầu đâu được đấy…

Giao thừa, tôi theo mẹ lên chùa dù cho ngày thường nơi đây không còn gì lạ lẫm cả. Sau khi tế năm mới ở nhà xong xuôi, mẹ tôi sắm sửa lễ vật toàn những thứ “nở nang” như bỏng hay “đỏ” như oản đường để lên chùa làm lễ cầu may. Với bà, đi lễ ngay sau giao thừa là tốt nhất vì thế bà thường đem theo những đồng tiền nhỏ có màu đỏ để đặt lễ xong sẽ đem tâm công đức vào chùa. Bà chắp tay thành kính rất lâu trước các tượng Phật uy nghi trầm mặc trong khói hương nghi ngút khiến cho tôi tin chắc rằng trên cao kia các ngài cũng nghe thấu lời cầu nguyện để che chở cho chúng tôi và tất cả chúng sinh.

Dòng người đổ về lễ chùa càng lúc càng đông mặc cho ngoài trời mưa xuân vẫn đang lất phất, cái lạnh vẫn xuyên thấu qua những lớp áo dày. Hình như, tất thảy mọi người đều tin chắc đi lễ vào giờ phút linh thiêng này, mọi điều cầu nguyện cho cuộc sống sẽ thành hiện thực, năm mới sẽ bớt vất vả nhọc nhằn hơn. Vì thế nên mưa xuân và cái rét mướt ngoài trời lúc này không đủ làm tan đi cái không khí ấm áp và những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt mẹ tôi và những người đi lễ.

Theo mẹ lên chùa những giây phút ấy tôi chợt nhận ra, ai cũng cởi mở chan hòa thân thiện với nhau hơn lúc ngày thường. Họ chào hỏi, chúc nhau năm mới tốt lành nhưng cũng giữ ý không xin nhau tí lửa, dù là châm nén hương, điếu thuốc hay đốt vàng mã. Họ sợ người “bị xin” sẽ “dông”, năm mới sẽ mất đi tài lộc và kém may mắn. Đấy cũng là một trong những điều đầu tiên mẹ tôi hay dặn dò phải chú ý khi đi lễ đầu năm.

Sau khi thắp hương ở tất cả các ban thờ trong chùa, chúng tôi thường ra giếng chùa kéo nước xin lộc Phật mang về lấy may. Ở đấy đã có rất đông người đang kéo nước, ai cũng mang theo một thùng nhỏ chứa nước. Mọi người đều quan niệm xin lộc nước nhà chùa mang về nhà sẽ gặp nhiều may may mắn, tiền sẽ “vào như nước”. Duy chỉ có đám thanh niên là nghĩ khác, họ trèo lên những cây đa cổ thụ ngoài cổng chùa chọn những cành sum suê tươi tốt có cả quả xanh quả chín để chặt. Họ khoái lộc đa nhất vì hi vọng năm mới sẽ có nhiều lộc to lớn như là… cây đa vậy. Một lần, tôi nghe vị sư trụ trì chùa làng giải thích cho mọi người rằng không nên chặt cành đa mang về nhà bởi lẽ, cành đa là nơi trú ngụ của những linh hồn không nơi nương tựa, là nơi bám víu của những hài nhi bé bỏng. Vô tình, chúng ta chặt cành và mang theo về nhà những vong linh ấy, đấy có thể là mầm mống của sự không tốt lành về sau. Quả nhiên, sau lời giải thích ấy, đám thanh niên đã giảm hẳn việc chặt cành lấy lộc, cây đa trước cổng chùa mới có dịp sum suê xanh tốt trở lại.

Chùa làng còn tấp nập người vào ra đi lễ cho đến tận rằm tháng Giêng với những mẹt hàng hấp dẫn lôi cuốn lũ trẻ. Sân chùa vẫn là nơi vui chơi quanh năm của chúng nhưng dường như lặng lẽ hơn khi thiếu đi cái không khí rộn ràng ngày Tết. Với nhiều người, Tết đồng nghĩa với việc lên chùa đi lễ cầu may cho cả năm dài đang tới. Họ mong ước, ở nơi xa xôi, trong cõi Niết bàn cực lạc, Đức Phật từ bi sẽ nghe thấu lời cầu nguyện mà phù hộ độ trì cho họ luôn được vạn sự như ý. Thế nên, dù có chen chân trong đông đúc, dù có khói hương bay mờ cay mắt thì đi lễ chùa đầu xuân vẫn là thói quen và niềm vui của nhiều người, đi để nghe tâm mình bình an, thanh thản…

Nguồn: dantri.com